Lịch sử xe: Triển lãm Geneva ra đời khi nào?
Sau gần 20 năm thịnh vượng, thập niên 1980 đánh dấu thời kỳ tồi tệ nhất ngành công nghiệp ôtô thế giới. Sau khoảng
Dân mê xe ai cũng biết Triển lãm Geneva Motor Show là một trong 5 triển lãm xe hơi lớn nhất thế giới, nhưng chẳng mấy người biết Triển lãm xe được tổ chức ở Thụy Sỹ này ra đời khi nào.
Thụy Sĩ không phải là “rốn” của ngành công nghiệp ôtô và đất nước này không có nhiều hãng xe được mọi người biết đến. Thế nhưng, triển lãm Geneva lại là một trong 5 triển lãm xe hơi lớn nhất thế giới. Nguyên nhân khiến Geneva trở nên quan trọng là bởi nó đóng vai trò trung lập. Nếu Detroit tràn ngập xe Mỹ, Paris dành riêng cho xe Pháp, Frankfurt thống trị bởi xe Đức, Tokyo của xe Nhật thì Geneva là nơi duy nhất đủ khách quan để các hãng xe khoe mình và đong đếm mối quan tâm của người tiêu dùng.
Ý tưởng về một triển lãm xe hơi được Hiệp hội ôtô Thụy Sĩ ACS (Swiss Automotive Club) đề xuất vào những năm đầu thế kỷ 20. Sau nhiều lần trì hoãn, năm 1905, mặc dù có những khó khăn về tài chính, ACS vẫn quyết định tổ chức triển lãm xe hơi tại khu vực bỏ phiếu trên đại lộ Georges Favon từ 29/4. Diện tích triển lãm đầu tiên vỏn vẹn có 1.200 mét vuông và được chia thành 37 ô, tổng số người tới thăm tính đến ngày bế mạc, 6/5, là 17.500 người.
Triển lãm lần thứ 2 năm 1906, để đón lượng khách lớn hơn, ACS mở rộng khu vực trưng bày lên 2.200 mét vuông. Tổng số 59 mẫu xe trưng bày và 25.600 người tới xem. Tới triển lãm lần thứ 3 năm 1907, tiến hành tại Zurich, Geneva có diện tích tăng gấp đôi với 90 mẫu xe tham gia, tổng số 32.000 khách tham quan.
Năm 1908, theo thông lệ, triển lãm lần thứ 4 vẫn diễn ra nhưng vì lý do kỹ thuật nên Ban tổ chức hủy sự kiện trên mà không có bất cứ thông báo nào. Đến tận 1911, nhân sự kiện trưng bày các mẫu xe thể thao, những chiếc xe năm 1908 mới được dịp khoe sắc. Cũng sau đó 3 năm, chiến tranh thế giới thứ I nổ ra nên Geneva bị ngừng một thời gian dài.
1921, triển lãm nối lại nhưng nhanh chóng bị hủy do không có khách tham quan và chiến tranh tàn phá châu Âu một cách nặng nề. Đến 1923, triển lãm lần đầu tiên sau thế chiến không thật ấn tượng nhưng là địa điểm tốt để các nhà sản xuất gặp gỡ, trao đổi và trình làng các sản phẩm mới nhất của mình. Trên diện tích 3.000 mét vuông có 38 khung gầm và 109 chiếc xe được trưng bày. Tính cả giới báo chí, 30.000 người đã tới thăm triển lãm năm 1923.
Triển lãm năm 1924, Geneva phải đối mặt với tình cảnh thiếu diện tích trưng bày như nhiều triển lãm khác. Ban tổ chức phải nối phòng bỏ phiếu với bãi cỏ gần đó bằng một cây cầu cho người đi bộ. Tuy nhiên, giới báo chí vẫn ca cẩm về ìính trạng tắc nghẽn, chật chội và sự điều hành kém hiệu quả của Ban tổ chức. Cũng trong năm đó, Geneva được chính thức công nhận là triển lãm xe hơi quốc tế hằng năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô thế giới OICA (International Organization of Motor Vehicle Manufacturers). Từ đó, Geneva ngày càng trở nên quan trọng và là sự kiện không thể thiếu của ngành công nghiệp ôtô.
Geneva đạt đến tầm quốc tế vào những năm 1950 khi có sự thay đổi căn bản trong tâm lý khách tham quan. Trước chiến tranh thế giới thứ 2, triển lãm Geneva chỉ là nơi trưng bày các mẫu xe tương lai. Nhưng ở thời hậu chiến, nó là “vùng trũng” mà các hãng xe dùng để nghiên cứu thị trường bởi hầu hết khách tham quan là những khách hàng tiềm năng. Lợi thế của Geneva nằm ở thời gian tổ chức. Vào tháng 3, các hãng xe hơi có thể tổng kết năm tài khóa và dự đoán trước tình hình kinh doanh dựa theo thị hiếu khách hàng tại đây. Chính vì vậy, không chỉ ngành công nghiệp ôtô Đức mà các hãng xe Mỹ cũng bắt đầu đổ xô tới Geneva bởi nó nằm giữa châu Âu, ở đất nước có nền chính trị trung lập và sức mua lớn.
Thập niên 1960-1970, xe hơi trở nên thịnh hành ở châu Âu và Mỹ. Thay vì sáng tạo nên các mẫu mới, ngành công nghiệp ôtô chỉ tập trung nâng cao năng suất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng cũng chính sự phát triển mạnh mẽ này đã kéo theo yêu cầu về độ an toàn. Năm 1971, khách tham quan Geneva có thể thử nghiệm mức độ an toàn của mẫu xe nào đó ngay tại triển lãm, một hình thức tiếp thị độc đáo mà Geneva áp dụng để lấy lòng khách hàng.
Sau gần 20 năm thịnh vượng, thập niên 1980 đánh dấu thời kỳ tồi tệ nhất ngành công nghiệp ôtô thế giới. Sau khoảng thời gian phát triển vượt bậc, một cách tự nhiên, Mỹ và châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu mỏ Trung Đông. Khi các nước sở hữu dầu mỏ ngừng cung cấp, khủng hoảng đã xảy ra. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường và tiêu chuẩn chất thải cũng trở thành vấn đề làm đau đầu các nhà sản xuất. Tới lúc này, các nhà sản xuất Nhật Bản bắt đầu vươn lên và tuyên chiến với xe Mỹ, xe Đức, xe Pháp. Và hiển nhiên, không ở đâu thuận lợi hơn cho trận chiến đó ngoài Geneva. Trong suốt những năm 1980, Geneva phải liên tục mở rộng diện tích trưng bày phục vụ cho trục tam giác xe hơi Mỹ-Âu-Á “tham chiến”. Từ 38.000 mét vuông năm 1981 lên 54.000 mét vuông năm 1985.
Năm 2017, Geneva Motor Show khai mạc đánh dấu 112 năm tồn tại qua 87 lần tổ chức của Triển lãm này. Sẽ có tới 900 mẫu xe mới được 180 nhà sản xuất hàng đầu thế giới giới thiệu tới công chúng yêu thích xe hơi tại Geneva Motor Show năm nay.
Leave a Reply